Dự báo cả năm 2022, giá trị xuất khẩu lâm sản đạt khoảng 16,3 tỷ USD

Dự báo cả năm 2022, giá trị xuất khẩu lâm sản đạt khoảng 16,3 tỷ USD

Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), từ đầu năm đến nay, ngành lâm nghiệp đã chủ động nắm bắt tình hình điểm nóng và khoanh vùng các địa bàn trọng điểm về chặt phá rừng, các tụ điểm cất giữ, trung chuyển lâm sản lớn.

Công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tiếp tục được các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm nóng về tình trạng phá rừng tại các địa bàn như: Sơn La, Điện Biên, khu vực Tây Nguyên và miền Trung, chủ yếu là phá rừng lấy đất làm nương rẫy. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước đã phát hiện 4.688 vụ vi phạm, giảm 1,2% so với cùng kỳ.

Diện tích rừng bị thiệt hại là 610ha, giảm 599ha (tương ứng giảm 50% so với cùng kỳ). Trong đó, đã phát hiện 2.014 vụ phá rừng trái phép, tăng 33%; diện tích thiệt hại là 582ha, giảm 91ha (tương ứng giảm 13%) so với cùng kỳ. Về cháy rừng, đã xảy ra 40 vụ (giảm 65% so với cùng kỳ), thiệt hại 24ha, giảm 259ha (tương ứng giảm 91% so với cùng kỳ).

Công tác sản xuất và phát triển lâm sản tiếp tục khởi sắc, nằm trong nhóm mặt hàng xuất khẩu tỷ đô của ngành nông nghiệp. Cụ thể, sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tập trung khoảng 8,5 triệu mét khối, đạt 46% kế hoạch, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2021. Giá trị xuất khẩu lâm sản 6 tháng đầu năm 2022 đạt 9,1 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ, đạt 56% kế hoạch.

Dự báo cả năm 2022, giá trị xuất khẩu lâm sản đạt khoảng 16,3 tỷ USD. Các thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản chính gồm Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc hiện nay chiếm trên 90% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản.

Về chi trả dịch vụ môi trường rừng, lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng số tiền đã thu được 1.502 tỷ đồng, bằng 106% so với cùng kỳ và đạt 54% so với kế hoạch. Trong đó, Quỹ T.Ư thu được 915,2 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm 2022 và bằng 100% cùng kỳ năm 2021.

Quỹ tỉnh thu 583,48 tỷ đồng, đạt 57% kế hoạch thu năm 2022, bằng 118% so với cùng kỳ năm 2021. Theo nhận định của lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp, việc chi trả dịch vụ môi trường rừng tiếp tục được triển khai hiệu quả đã góp phần bảo vệ rừng, tăng thu nhập cho người dân cũng như các đơn vị tham gia bảo vệ rừng.

Trong những tháng cuối năm, Tổng cục Lâm nghiệp tập trung thực hiện phối hợp trong việc ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại của một số DN xuất khẩu, kiểm soát chặt gỗ nhập khẩu từ các nước có nhiều rủi ro về nguồn gốc gỗ bất hợp pháp. Đồng thời bám sát, xây dựng kịch bản điều hành về xuất, nhập khẩu gỗ và lâm sản đảm bảo đạt chỉ tiêu kế hoạch xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2022.

Cùng với đó, nhân rộng các mô hình liên kết thành công giữa DN chế biến gỗ và hộ gia đình trồng rừng để vừa đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp trong nước, vừa tăng giá trị gia tăng, giảm chi phí giá thành cho sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh cho gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam.

 

Nguồn: dautudoanhnghiep

Biên tập:: Vietnamarab Team

Tags