Hội thảo quốc tế về tăng cường hợp tác đầu tư Việt Nam - Trung Đông

Hội thảo quốc tế về tăng cường hợp tác đầu tư Việt Nam - Trung Đông

Vừa mới đây, vào ngày 26/8/2021, thực hiện chiến lược ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế và để chuẩn bị mở cửa nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, Bộ Ngoại giao đã tổ chức hội thảo quốc tế dưới hình thức trực tuyến về tăng cường hợp tác đầu tư Việt Nam - Trung Đông: Cơ hội, tiềm năng và cách tiếp cận mới.

     Tham gia hội thảo có đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo một số tỉnh, thành và doanh nghiệp đang có dự án hợp tác với khu vực Trung Đông, cùng các vị Đại sứ, Đại biện các nước Trung Đông, các Quỹ đầu tư, Tập đoàn, Công ty khu vực Trung Đông - Bắc Phi đang hoạt động tại Việt Nam.

     Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Quang Hiệu - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhận định đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều khó khăn, cản trở cho nỗ lực phục hồi kinh tế thế giới, trong đó có khu vực Trung Đông và Việt Nam. Để ứng phó với đại dịch và dần mở cửa, nhiều nước Trung Đông và Việt Nam đã và đang có những điều chỉnh chính sách về kinh tế, thương mại, đầu tư và chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực nền kinh tế và khả năng cạnh tranh quốc gia, hướng tới phát triển bền vững và sáng tạo hơn.

     Tham luận tại hội thảo, T.S Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê chuẩn đề án phát triển quan hệ hợp tác về tài chính giữa Việt Nam với các nước Trung Đông và Châu Phi giai đoạn 2016-2025.

​     Về triển vọng phát triển kinh tế trong thời gian tới, T.S Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho biết, sau đại dịch, tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ diễn ra nhanh, trong đó có Việt Nam. Theo IMF, năm 2021, kinh tế thế giới phục hồi tăng trưởng có thể tới mức 6%. Thương mại - động lực quan trọng cho nền kinh tế phục hồi gần 9%. Đầu tư FDI tại Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng tích cực, tuy nhiên đầu tư của khu vực Trung Đông vẫn chưa xứng với tiềm năng hiện có và kỳ vọng sẽ tăng lên trong thời gian tới. Ngoài ra, Việt Nam có lực lượng lớn lao động ở Trung Đông, đóng góp đáng kể vào lượng kiều hối. Dự báo năm nay vào năm 2022, lượng kiều hối sẽ tăng khoảng 5%. Việt Nam đang cải thiện quyết liệt môi trường đầu tư kinh doanh và được đánh giá là điểm sáng đầu tư ở ASEAN.

      Phát biểu tham luận tại hội thảo, ông Haldun Tekneci - Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam nhận định rằng Trung Đông là cửa ngõ giữa Châu Âu và Châu Á. Đối với Châu Á, ASEAN có vị trí hết sức đặc biệt, chính vì thế Thổ Nhĩ Kỳ luôn mong muốn thúc đẩy hợp tác, trong đó có Việt Nam với thị trường đầy tiềm năng; và thực tế các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đã đầu tư hơn 1,7 tỷ USD vào các lĩnh vực công nghệ, dệt may, tiêu dùng, cáp quang... và cả kết nối hàng không giữa Istanbul với Hà Nội và TP. HCM.

     TS Khalid Alyahya - Phó Tổng thư ký G20 của Liên đoàn Á Rập cho rằng Ả Rập Xê Út có nhiều nét tương đồng về lịch sử và văn hóa với Việt Nam. Tầng lớp trẻ trí thức của hai nước đều năng động và mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác.

     Hội thảo tuy diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng đã làm rõ nhiều vấn đề và mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho Việt Nam và các quốc gia vùng Vịnh. Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Phạm Quang Hiệu mong muốn các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở các nước Trung Đông cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương, bộ, ngành trung ương và hiệp hội các doanh nghiệp để giới thiệu các cơ hội hợp tác đầu tư, phục vụ quá trình phát triển kinh tế xanh và bền vững của Việt Nam. Ông Hiệu cũng mong các vị Đại sứ, Đại biện các nước Trung Đông, các Quỹ đầu tư, Tập đoàn, Công ty khu vực Trung Đông - Bắc Phi tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam trên cơ sở bình đẳng và các bên cùng có lợi thời kỳ hậu Covid-19.

 

Nguồn: tiengiang.gov.vn

Biên tập: VietnamArab.net

Nguồn:

Biên tập::

Tags