Hơn 8 tỷ USD/năm và mối quan hệ khắng khít ít người biết đến giữa 2 nền kinh tế Việt Nam – UAE

Hơn 8 tỷ USD/năm và mối quan hệ khắng khít ít người biết đến giữa 2 nền kinh tế Việt Nam – UAE

Trong những năm vừa qua, kim ngạch thương mại song phương hàng năm giữa Việt Nam và UAE luôn ở mức cao: trước khi có đại dịch xảy ra luôn duy trì ở mức trên 8 tỷ USD/năm. Nguyên do bởi UAE là cửa ngỏ để Việt Nam đi vào khu vực Trung Đông – châu Phi, Việt Nam lại là cửa ngỏ để UAE đi vào khu vực Đông Nam Á.

Theo Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, UAE được biết đến là một quốc gia có nền kinh tế phát triển đa dạng dựa trên sức sáng tạo. Nền kinh tế UAE luôn có mức tăng trưởng ổn định trong những năm qua với thu nhập bình quân đầu người đạt 70.000 USD, đứng thứ 10 thế giới.

vn-uae-1623742752.jpg

Trong những năm gần đây, phát triển kinh tế của UAE đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, được thể hiện trong báo cáo đánh giá xếp hạng của các tổ chức uy tín trên thế giới. 

Theo báo cáo đánh giá Môi trường kinh doanh thuận lợi toàn cầu (Global Doing Business Report) của Ngân hàng thế giới năm 2020, UAE đứng thứ 16/190 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và đứng thứ 2 trong các nền kinh tế Ả-rập, thậm chí cao hơn một số quốc gia tại châu Âu và châu Á.

UAE nằm trong trong số ít quốc gia hàng đầu thế giới có chất lượng cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại, đứng thứ ba thế giới về chỉ số ứng dụng công nghệ trong phát triển của Chính phủ. Theo Báo cáo Đầu tư thế giới năm 2020 của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), UAE cũng nằm trong nhóm 20 quốc gia đứng đầu thế giới về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.

Những kết quả nói trên của UAE đạt được nhờ nhiều yếu tố, trong đó có sự ổn định về chính trị, an ninh, cơ sở hạ tầng phát triển, môi trường pháp lý thuận lợi, giúp UAE trở thành trung tâm thương mại lớn trong khu vực và trên thế giới và là trạm trung chuyển quốc tế về hàng hải, hàng không kết nối Đông Tây.

Hiện nay, UAE được đánh giá là điểm đến lý tưởng cho các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và lao động việc làm.

Ngoài ra, UAE đã trở thành trung tâm kinh tế của thế giới Hồi giáo và được lựa chọn đăng cai tổ chức nhiều sự kiện quốc tế lớn như: Diễn đàn kinh tế Hồi giáo thế giới 2014, Hội nghị thượng đỉnh Năng lượng thế giới 2019 và Triển lãm thế giới Expo 2020 Dubai (sự kiện được hoãn tổ chức sang năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19).

UAE là cửa ngỏ để Việt Nam đi vào khu vực Trung Đông – châu Phi

Trong thời gian qua, quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - UAE ngày càng được củng cố và thúc đẩy trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thương mại. Hiện nay, UAE là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông.

Tổng kim ngạch thương mại hai chiều liên tục tăng trong 10 năm trở lại đây, từ 729,8 triệu USD năm 2010 lên 5,17 tỷ USD năm 2019, chiếm tỷ trọng 36,1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước khu vực Trung Đông. Đặc biệt, Việt Nam luôn là nước xuất siêu sang thị trường UAE.

Trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá trị trao đổi thương mại giữa Việt Nam và UAE chỉ đạt 4,3 tỷ USD, giảm 16,3% so với năm 2019, trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE đạt 3,9 tỷ USD, giảm 18,2% và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ UAE đạt 418,6 triệu USD, tăng 5,8%. UAE hiện đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông - Châu Phi với trên 60 nhóm mặt hàng.

Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu sang UAE các mặt hàng: nông sản, thủy sản, hoa quả tươi, thực phẩm chế biến giá trị cao, vật liệu xây dựng, điện thoại di động, máy móc thiết bị phụ tùng, điện tử gia dụng, dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ… 

vn-uae2-1623742500.png

Với sức mua ngày càng tăng của thị trường nội địa với hơn 9 triệu người dân đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau đang sinh sống, học tập và làm việc, UAE được đánh giá là thị trường tiềm năng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Ngoài ra, với vị trị là cửa ngõ giao thương giữa các châu lục Á - Âu - Phi và là một trong những trung tâm tài chính, thương mại của khu vực, UAE còn có vai trò là thị trường trung chuyển, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận sâu rộng hơn với nhiều thị trường khác trên thế giới.

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhằm tăng cường nghiên cứu, triển khai các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại, công nghiệp, đầu tư... với phía UAE. Việt Nam luôn mong muốn và coi trọng việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với UAE.

Chính phủ Việt Nam luôn hoan nghênh, khuyến khích và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp UAE sang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, trong khuôn khổ chính sách và các quy định pháp luật của Việt Nam. Đặc biệt, UAE là một trong những quốc gia đi đầu trong phát triển ngành năng lượng, năng lượng tái tạo, dầu khí và logistics - là những lĩnh vực mà Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm và mở rộng hợp tác với UAE hơn nữa trong tương lai.

Năm 2019, Bộ trưởng Bộ Nguồn nhân lực Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) đã ký bản Ghi nhớ (MOU) giữa hai bộ trong lĩnh vực giúp việc gia đình. MOU có hiệu lực ngay sau khi ký, với thời hạn 4 năm và tự động gia hạn nếu một trong hai bên không có mong muốn chấm dứt thực hiện.

Ngoài ra, bản Ghi nhớ chỉ quy định lao động giúp việc gia đình sang làm việc tại UAE, trong khi MOU hai Chính phủ đã ký năm 2009 quy định chung cho tất cả các ngành nghề.

Được biết, Việt Nam bắt đầu cung ứng lao động sang làm việc tại UAE từ năm 1995, thời điểm cao nhất có trên 10.000 lao động Việt Nam làm việc tại UAE. Năm 2019, ước tính có khoảng 5.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại UAE chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, cơ khí, đóng tàu, dịch vụ khách sạn,... với mức lương cơ bản khoảng 450 USD/tháng.

Việt Nam lại là cửa ngỏ để UAE đi vào khu vực Đông Nam Á

Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – UAE tháng 6/2021.

Ngày càng nhiều các tập đoàn lớn có uy tín của UAE đang đẩy mạnh đầu tư sâu rộng thông qua nhiều dự án khai thác dầu khí, cảng biển, khách sạn du lịch nghỉ dưỡng, dịch vụ hàng không, công nghiệp, khai khoáng … tại Việt Nam (như Tập đoàn Mubadala, DP World, Nakheel Group, Emirates Airlines, Dubai Investment Group, Dubai Export Group…).

UAE được coi là một trong những nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam. Các doanh nghiệp nước này chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, bất động sản, cảng biển, dầu khí, du lịch và dịch vụ tại Việt Nam.

Hồi tháng 10/2009, Tập đoàn DP World đã tham gia liên doanh với Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận để xây dựng cảng nước sâu với tên gọi Cảng container trung tâm Sài Gòn (SPCT) bên trong Khu Công nghiệp Hiệp Phước, trên sông Soài Rạp, với tổng số vốn đầu tư khoảng 360 triệu USD, diện tích 39,13 ha, công suất khai thác khoảng 1,5 triệu TEUs/năm.

Tháng 02/2009, Công ty Dầu khí Quốc gia Abu Dhabi (ADNOC) đã ký thỏa thuận sẽ bán khí LPG cho Tổng Công ty Khí (PVGas) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trên cơ sở lâu dài.

Tiếp đó, tháng 10/2010, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công ty MDC Oil & Gas Holding Company LLC (thuộc Tập đoàn Mubadala - một Tập đoàn kinh tế lớn của UAE) đã ký Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác trong lĩnh vực dầu khí. Hiện nay Mubadala Petroleum, thành viên của Tập đoàn Mubadala, đang tham gia một số hợp đồng dầu khí tại một số lô ngoài khơi Việt Nam.

Tháng 10/2019, gần 20 doanh nghiệp lớn của UAE hoạt động trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu tổng hợp, dệt may, nông sản, thực phẩm chế biến, giải pháp năng lượng, xử lý chất thải, logistics, phân phối bán lẻ, dịch vụ tài chính…  đi cùng Bộ trưởng Kinh tế UAE Sultan bin Saeed Al-Mansouri sang tìm hiểu thị trường và tìm kiếm cơ hội kinh doanh, hợp tác thương mại với các đối tác Việt Nam.

Với kim ngạch thương mại song phương UAE-Việt Nam luôn chiếm khoảng 30% trong tổng thương mại song phương UAE-ASEAN, Việt Nam còn là cửa ngõ quan trọng để UAE thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường ASEAN.

Việt Nam mong muốn có nhiều hơn các doanh nghiệp UAE tham gia các dự án tại Việt Nam trong các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng, logistics, dầu khí, năng lượng tái tạo, các ngành công nghiệp hỗ trợ, sản xuất vật liệu, chế biến nông sản, du lịch, xây dựng, vận tải hàng không”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chia sẻ tại buổi tiếp Bộ trưởng Kinh tế UAE khi dẫn đầu đoàn doanh nghiệp sang thăm và làm việc tại Việt Nam thời gian qua.

 

Nguồn: vietnambusinessinsider.vn

Biên tập: VietnamArab.net

Nguồn:

Biên tập::

Tags