Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - UAE tăng trưởng khả quan trong 7 tháng đầu năm 2021
UAE là 1 trong 10 đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trên thế giới, và là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông và Châu Phi. Trong cán cân thương mại, Việt Nam luôn ở thế xuất siêu lớn với thị trường này.
Theo số liệu mới nhất của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) trong 7 tháng đầu năm 2021 đạt gần 3,1 tỷ USD, tăng khoảng 37,8 % so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE đạt xấp xỉ 2,8 tỷ USD, tăng 40,8% và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ quốc gia này đạt trên 286 triệu USD, tăng 13,3%. UAE là một trong các đối tác của Việt Nam trên thế giới có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu lớn nhất, và cao hơn với tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước (26.4%).
UAE là 1 trong 10 đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trên thế giới, và là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông và Châu Phi. Trong cán cân thương mại, Việt Nam luôn ở thế xuất siêu lớn với thị trường này.
Về cơ cấu hàng xuất khẩu, điện thoại di động và linh kiện vẫn là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 1,85 tỷ USD, tăng 48,1% so với cùng kỳ. Tiếp theo là các mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 246,4 triệu USD, tăng 17,4%); máy móc, thiết bị dụng cụ và phụ tùng (đạt 148,1 triệu USD, tăng 43,1%)… Các sản phẩm có tốc độ tăng trưởng tốt nhất bao gồm: hạt điều đạt xấp xỉ 23 triệu USD, tăng 200%; hạt tiêu đạt gần 40 triệu USD, tăng 185%...
Tuy nhiên, một số mặt hàng có kim ngạch giảm sút so với cùng kỳ, đáng kể là mặt hàng túi xách, ví, vali, mũ, ô dù đạt 7 triệu USD, giảm 45,4%; chè đạt 1,4 triệu USD, giảm 34,6%; gạo đạt 16 triệu USD, giảm 15,4%; giấy và các sản phẩm từ giấy đạt 2,4 triệu USD, giảm 10%... Trong số các mặt hàng giảm sút này, các mặt hàng như gạo, chè, giấy đều có kim ngạch xuất khẩu giảm sút so với tháng 6 năm 2021.
Về cơ cấu hàng nhập khẩu, mặt hàng có kim ngạch lớn nhất là chất dẻo nguyên liệu, đạt 123,6 triệu USD, tăng 48,8% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch cao khác như khí đốt hóa lỏng đạt xấp xỉ 57 triệu USD, kim loại thường đạt 19,2 triệu USD, thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt 13,8 triệu USD; sản phẩm khác từ dầu mỏ đạt 15,5 triệu USD…
Với kết quả tăng trưởng khả quan như trên, cùng với việc nhu cầu tiêu thụ, tiêu dùng tại UAE và trên thế giới quay trở lại sau dịch bệnh, đặc biệt là thời gian các dịp lễ vào cuối năm, cũng như các biện pháp hỗ trợ, xúc tiến thương mại của Chính phủ và các cơ quan liên quan của Việt Nam, thị trường UAE sẽ tiếp tục là thị trường đầy tiềm năng để thâm nhập và phát triển đối với doanh nghiệp Việt Nam. Với đà tăng trưởng như vậy, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và UAE được kỳ vọng sẽ đạt mức 5 tỷ USD trong năm 2021.
Nguồn: moit.gov.vn
Biên tập: VietnamArab.net