Nỗ lực “phủ sóng” của thương hiệu Việt Nam trên bản đồ thương hiệu thế giới

Nỗ lực “phủ sóng” của thương hiệu Việt Nam trên bản đồ thương hiệu thế giới

Kinh tế thế giới cũng như Việt Nam đang dần thích ứng với tình hình mới hậu covid-19, tiếp tục đẩy mạnh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, sẽ có những yêu cầu mới được đặt ra cho việc xây dựng thương hiệu quốc gia nói chung cũng thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm Việt nói riêng.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2022 do Cục Xúc Tiến thương mại - Bộ Công Thương và Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cùng các đối tác trong nước và quốc tế phối hợp tổ chức ngày 20/4, đã có phiên tọa đàm giữa các doanh nghiệp với các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia Việt Nam và quốc tế để tập trung làm rõ hơn những ý tưởng để cộng đồng doanh nghiệp vận dụng trong câu chuyện xây dựng và phát triển thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm, đặc biệt việc quảng bá thương hiệu thông qua hệ thống kiều bào và mạng lưới các Trung tâm thương mại do người Việt Nam ở nước ngoài làm chủ.

Diễn đàn tập trung vào các vấn đề được nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm liên quan đến việc tận dụng sự gia tăng về giá trị mới của Thương hiệu quốc gia (THQG) Việt Nam trên bản đồ thế giới 2 năm qua trong mối tương quan với thương hiệu sản phẩm/thương hiệu doanh nghiệp và đề xuất một số giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thách thức, tiếp tục xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt một cách chuyên nghiệp.

Thời gian qua, với sự hỗ trợ của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm, giá trị doanh nghiệp. Rất nhiều thương hiệu Việt đã gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để có thể tăng độ “phủ sóng” cho thương hiệu quốc gia, để nâng tầm thương hiệu quốc gia Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp, sản phẩm của Việt Nam nói riêng ở trong nước cũng như, khu vực và trên trường quốc tế.

Ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), Trưởng ban, Ban Thư ký Chương trình THQG Việt Nam, cho rằng, cần kéo gần các doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG, doanh nghiệp nói chung và các chuyên gia trong một môi trường chung. Có thể là một hệ sinh thái để tạo sự kết nối, giao lưu và lan toả THQG.

Lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại cho hay, diễn đàn năm nay lần đầu tiên có sự tham gia của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. Việc này hết sức có ý nghĩa khi tranh thủ được sự quan tâm của bà con kiều bào, lực lượng này vì lòng yêu nước sẵn sàng trở thành sứ giả thương hiệu cho Việt Nam ở thị trường nước ngoài.

Liên quan đến vấn đề này, bà Trần Tuệ Tri, Phó Chủ tịch Thương hiệu toàn cầu của Unilever đã có những chia sẻ xung quanh việc các quốc gia duy trì được hình ảnh và vị thế của mình trong những năm vừa qua, đặc biệt là sau đại dịch Covid 19. Từ đó đã đưa ra một số đề xuất để nâng cao hơn nữa về THQG Việt Nam một cách toàn diện, trong đó bao gồm: Nâng cao chất lượng cuộc sống - Giáo dục & Chăm sóc sức khỏe, Cải thiện tính bền vững, Khôi phục du lịch hậu covid-19 và Xây dựng các thương hiệu Việt Nam ra toàn cầu.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse, thương hiệu là tổ hợp rất nhiều hoạt động của doanh nghiệp, từ chất lượng sản phẩm, hậu mãi, các chương trình ưu đãi… Xây dựng được thương hiệu sản phẩm đã khó, giữ gìn và phát triển thương hiệu càng khó, đòi hỏi doanh nghiệp phải phân tích được thế mạnh, khai thác và không ngừng hoàn thiện các thế mạnh của mình. “Xây dựng thương hiệu là xây dựng niềm tin của người tiêu dùng với sản phẩm. Doanh nghiệp hay quốc gia phải có trách nhiệm gia tăng thêm lợi ích và tăng niềm tin cho người dùng mới giữ vững được thương hiệu” – ông Phú nhấn mạnh.

Ông Hoàng Mạnh Huê, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Doanh nhân Việt Nam tại châu Âu cũng đề xuất các giải pháp quảng bá thương hiệu Việt Nam và đưa hàng hoá Việt ra thị trường nước ngoài. Theo đó, có thể quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt Nam qua các trung tâm hàng hoá của người Việt tại châu Âu; xuất khẩu hàng Việt thông qua thương hiệu mạnh của kiều bào; quảng bá hình ảnh đất nước, con người, thương hiệu hàng hoá thông qua hoạt động văn hoá, thể thao, tâm linh của cộng đồng người Việt tại nước sở tại. Đó sẽ là những hoạt động tốt và là bệ phóng đưa thương hiệu Việt Nam tới với người tiêu dùng nước ngoài.

Cũng tại tọa đàm, việc tận dụng những lợi thế của THQG đem lại trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp cũng tiếp tục được quan tâm và chia sẻ nhiều hơn. Từ đó, có những đề xuất, kiến nghị đối với các cơ quan quản lý Nhà nước để những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu ngày càng hiệu quả hơn.

 

Nguồn: moit.gov.vn

Biên tập: VietnamArab.net

Nguồn:

Biên tập::

Tags