Sáng ngày 15/6/2022, Israel cùng với Ai Cập đã ký một thỏa thuận ba bên về xuất khẩu khí đốt của Israel sang EU thông qua Ai Cập.
Lễ ký diễn ra tại Hội nghị cấp Bộ trưởng về Diễn đàn Năng lượng các nước phía Đông Địa Trung Hải được tổ chức tại Cairo, Ai Cập, với sự tham dự của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, ngay sau khi bà Ursula von der Leyen vừa kết thúc chuyến thăm tới Israel với mục đích chủ yếu thảo luận về vấn đề cung cấp khí đốt.
Thỏa thuận nói trên được ký bởi Bộ trưởng Năng lượng, Cơ sở hạ tầng và Nguồn nước Israel, bà Karine Elharrar, cùng với hai người đồng cấp Ai Cập và EU. Các cuộc đàm phán giữa Israel và EU nhằm tiến tới một thỏa thuận khung về cung cấp khí đốt chính thức bắt đầu vào cuối tháng Tư vừa qua. Trước đây, Israel đã từng xuất khẩu khí đốt tới Châu Âu thông qua các nhà máy khí hóa lỏng ở Ai Cập nhưng với số lượng nhỏ.
Thỏa thuận này là một phần trong nỗ lực của EU nhằm bảo đảm có các nguồn cung cấp mới về khí đốt tự nhiên sau khi bị gián đoạn nguồn cung từ Nga. Thỏa thuận có hiệu lực trong 3 năm và sẽ tự động gia hạn thêm hai năm tiếp theo. Theo thỏa thuận được ký ngày 15/6, các bên sẽ cùng nhau hợp tác nhằm tạo thuận lợi cho việc cung cấp thường xuyên khí đốt từ Israel, Ai Cập và các nguồn khác tới EU, thông qua các đường ống dẫn khí hiện có tại Israel và các cơ sở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) hiện có ở Ai Cập. Điều này sẽ phụ thuộc vào khả năng cung ứng và an ninh năng lượng tại các thị trường nội địa của mỗi bên ký kết, đồng thời Israel và Ai Cập sẽ không bị ngăn cản xuất khẩu khí đốt sang các thị trường khác.
Một phần của thỏa thuận cũng nêu rõ EU sẽ khuyến khích các công ty châu Âu tham gia vào các quá trình cạnh tranh và đầu tư vào các dự án thăm dò và sản xuất khí đốt ở Israel và Ai Cập. Ngoài ra, các bên sẽ xây dựng một chương trình khai thác tối ưu cơ sở hạ tầng, kiểm tra nhu cầu về các nhà máy LNG mới và vạch ra lộ trình xúc tiến các phê duyệt cần thiết để thực hiện các quy định của thỏa thuận vừa ký kết.
Các bên cũng sẽ triển khai hành động để giảm phát thải khí mê-tan và sẽ kiểm tra các công nghệ tiên tiến để thu giữ khí mê-tan trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Thỏa thuận thậm chí còn bao gồm việc cùng nhau kiểm tra các khả năng thu giữ các-bon như một phần của kế hoạch chung nhằm giảm phát thải và khử cacbon trong ngành công nghiệp khí đốt tự nhiên, cũng như các cách thức đầu tư vào các công nghệ trong lĩnh vực đó.
Israel hiện xuất khẩu 8 tỷ m3 khí đốt tự nhiên mỗi năm và ngoài ra Israel có dư thừa 4 tỷ m3 khác mà có thể dùng cho xuất khẩu sau khi đáp ứng đủ nhu cầu trong nội địa của mình. Mục đích là nhằm mở rộng xuất khẩu sau khi sản xuất khí đốt bắt đầu từ các nguồn tài nguyên hiện có và đã được chứng minh, đồng thời nhằm mở rộng hơn nữa khi phát hiện nguồn khí đốt được xác nhận trong các cuộc khoan thăm dò sắp tới và trong việc cấp phép thăm dò trong cuộc đấu thầu mới dự kiến sớm được tổ chức trong thời gian tới.
Bộ trưởng Năng lượng, Cơ sở hạ tầng và Nguồn nước Israel, bà Karine Elharrar cho rằng, việc ký kết là “một thời điểm có ý nghĩa to lớn trong đó quốc gia Israel nhỏ bé trở thành một đối tác đóng vai trò quan trọng trong thị trường năng lượng toàn cầu.” “Thỏa thuận sẽ cho phép Israel lần đầu tiên xuất khẩu khí đốt tự nhiên ổn định sang châu Âu, và thậm chí còn ấn tượng hơn khi so sánh với các thỏa thuận quan trọng khác mà chúng tôi đã ký trong năm qua, đưa Israel trở thành một đối tác năng lượng quan trọng trên thế giới”.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen có mặt tại buổi ký kết, đã viết trên tweet của mình, “với thỏa thuận này... chúng tôi sẽ nỗ lực hợp tác để cung cấp ổn định khí đốt tự nhiên cho EU từ khu vực Đông Địa Trung Hải. Điều này sẽ đóng góp vào an ninh năng lượng của EU và chúng tôi đang xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp với năng lượng tái tạo - năng lượng của tương lai”.