Tăng cường hợp tác đầu tư Việt Nam- Trung Đông: Tiềm năng, cơ hội và cách tiếp cận mới

Tăng cường hợp tác đầu tư Việt Nam- Trung Đông: Tiềm năng, cơ hội và cách tiếp cận mới

Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và các đối tác Trung Đông, ngày 26/8/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo trực tuyến “Tăng cường hợp tác đầu tư Việt Nam – Trung Đông: Tiềm năng, Cơ hội và Cách tiếp cận mới”. Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc và Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu đồng chủ trì Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI

Để ứng phó với đại dịch và dần mở cửa trở lại nền kinh tế, nhiều nước Trung Đông và Việt Nam đã và đang có những điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại, đầu tư và đẩy mạnh chuyển đổi số… nhằm nâng cao năng lực kinh tế, khả năng cạnh tranh quốc gia và phát triển theo hướng xanh, bền vững và sáng tạo. Đây cũng là những nhân tố quan trọng, góp phần mở ra cơ hội hợp tác mới và nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư giữa Trung Đông và Việt Nam.Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cho biết, đây là dịp để cùng nhau trao đổi về xu hướng đầu tư ra nước ngoài của khu vực Trung Đông, tiềm năng của Việt Nam và thực trạng hợp tác đầu tư giữa Việt Nam với khu vực, qua đó đề xuất các hướng đi, cách làm mới để tăng cường hợp tác đầu tư thực chất giữa hai bên. Đồng thời nhấn mạnh đến các tiềm năng, lợi thế của khu vực Trung Đông cũng như của Việt Nam.

Thứ trưởng đề nghị Hội thảo tập trung thảo luận, đánh giá về chính sách, xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các nước Trung Đông, các quỹ đầu tư khu vực, cả trực tiếp và gián tiếp, qua đó xác định rõ những lĩnh vực ưu tiên mà các nước Trung Đông muốn đầu tư ra ngoài; làm rõ tiềm năng và thế mạnh của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là từ khu vực Trung Đông về thị trường, môi trường kinh doanh, chính sách ưu đãi, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, tốc độ chuyển đổi số…; đồng thời xác định rõ những thành công và hạn chế, vướng mắc trong hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Trung Đông thời gian qua về cơ chế, chính sách, ưu đãi … trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm đầu tư, mô hình hợp tác thành công của các tập đoàn, doanh nghiệp khu vực, từ đó đề xuất về đổi mới cách tiếp cận và cách làm mới trong thu hút đầu tư Trung Đông vào Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, qua 35 năm thực hiện Đổi Mới, Việt Nam luôn duy trì ổn định chính trị – xã hội, kinh tế vĩ mô tăng trưởng cao và bền vững trong hơn ba thập niên (1986 – 2021). Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát từ đầu năm 2020, Việt Nam đã có những giải pháp chủ động và hiệu quả nhằm đạt mục tiêu kép đảm bảo an toàn gắn với phát triển kinh tế. Nhờ đó, Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới đạt được mức tăng trưởng dương và 6 tháng đầu năm 2021, kinh tế vĩ mô vẫn duy trì ổn định (GDP 6 tháng đạt 5,64%). Mục tiêu đặt ra trong năm 2021, chúng tôi dự kiến tăng trưởng GDP sẽ đạt khoảng 6,7%.

Về hợp tác đầu tư nước ngoài, mặc dù FDI toàn cầu trong năm 2021 chưa có dấu hiệu phục hồi, nhưng Việt Nam vẫn đạt những kết quả đáng kích lệ. Đến nay, đã có 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với hơn 34 nghìn dự án, tổng vốn đăng ký đạt hơn 400 tỷ USD. Trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng vốn đăng ký FDI đạt hơn 19,1 tỷ USD, đặc biệt vốn đăng ký mới và vốn đầu tư thực hiện tiếp tục tăng 16,3% và 2,0% so với cùng kỳ. Đây là con số rất đáng khích lệ, khẳng định nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Trong những năm qua, thông qua nỗ lực hợp tác của các cơ quan ngoại giao, các Bộ ngành và doanh nghiệp của cả 2 bên, các doanh nghiệp Trung Đông cũng đã biết đến Việt Nam là thị trường kinh tế mới nổi, tiềm năng; có quá trình tăng trưởng nhanh và ổn định; là nền kinh tế có độ mở kinh tế lớn có thị trường gần 100 triệu dân với lực lượng lao động trẻ; tầng lớp trung lưu chiếm 15% dân số và đang tăng nhanh, tạo nên thị trường có chỉ số phát triển bán lẻ hấp dẫn đứng thứ 6 toàn cầu.

Tuy nhiên đến nay, nguồn vốn đầu tư từ các quốc gia thuộc khu vực vào Việt Nam còn hạn chế, chưa phản ánh đúng tiềm năng, năng lực hợp tác giữa các bên. Tính đến nay, đã có 13/16 quốc gia Trung Đông đã đầu tư 136 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư 917,1 triệu USD (số liệu này chưa tính tới số vốn 832,4 triệu USD (35,1%) của Kuwait Petroleum tại dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn – Liên doanh giữa Việt Nam, Cô-oét và Nhật Bản, với tổng vốn đầu tư 9 tỷ USD, vốn góp 2,4 tỷ USD). Về đầu tư của Việt Nam tại Trung Đông cũng mới chỉ có 10 dự án với tổng vốn 90,4 triệu USD tại 6 quốc gia.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu. Ảnh: MPI

Để chuẩn bị đón dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao nói trên trong thời gian tới, Việt Nam đã và đang chủ động chuẩn bị các điều kiện đầu vào cho các hoạt động đầu tư, như chuẩn bị hạ tầng đất đai, mặt bằng sạch; đẩy nhanh quá trình đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng đến các chuẩn mực của OECD và nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia; thành lập Tổ Công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài để đón các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn đến đầu tư, nắm bắt kịp thời cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới.Thứ trưởng cho biết, Việt Nam hoan nghênh các dự án vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao, phù hợp với tiêu chí của Việt Nam như có quy mô vốn lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Đồng thời, Việt Nam cũng kiện toàn thể chế, môi trường đầu tư – kinh doanh như ban hành mới: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) theo hướng đơn giản hóa thủ tục đầu tư, minh bạch, đa dạng hóa các hình thức đầu tư, bổ sung cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt. Cùng với cải cách thể chế, Việt Nam đã ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cùng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và các hiệp định thương mại tự do khác giúp kết nối Việt Nam với 55 quốc gia, trong đó có 15 quốc gia thuộc nhóm G20.

Các quốc gia Trung Đông có thế mạnh về năng lượng, tài chính – ngân hàng, cơ sở hạ tầng, bất động sản, du lịch, logistics… là những lĩnh vực Việt Nam đang có nhu cầu hợp tác đầu tư lớn. Các trung tâm kinh tế của khu vực như Cô-oét, Du-bai, Abu Dhabi, Qatar… là cửa ngõ để tiếp cận với thị trường châu Phi, hình thành kết nối với thị trường Trung Đông – châu Phi với 70 quốc gia, dân số 1,6 tỷ người, GDP gần 5000 tỷ USD và là nơi tập trung nhiều đối tác, bạn bè có quan hệ hữu nghị, truyền thống tốt đẹp với Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam là cửa ngõ tiếp cận ASEAN, Trung Quốc để các doanh nghiệp Trung Đông đầu tư, kinh doanh tại các thị trường này. Việt Nam cũng có thế mạnh với nhiều chuỗi sản xuất cung ứng trong các lĩnh vực công nghiệp điện tử, chế biến nông, lâm, thủy hải sản chất lượng cao, đa dạng về chủng loại…, là những mặt hàng rất cần thiết cho thị trường Trung Đông và châu Phi.

Để tạo đột phá mới trong hợp tác đầu tư giữa Việt Nam – Trung Đông, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc gợi mở, định hướng một số định hướng hợp tác như tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam có tiềm lực mạnh trở thành đối tác với các doanh nghiệp Trung Đông. Nghiên cứu mô hình hợp tác với các đối tác thứ 3 để cùng hợp tác đầu tư các dự án lớn tại Việt Nam (tương tự mô hình dự án lọc dầu Nghi Sơn).

Xây dựng cơ chế hợp tác, kết nối các quỹ đầu tư, thể chế tài chính Việt Nam với các quỹ đầu tư, doanh nghiệp Trung Đông đầu tư vào các chương trình hạ tầng lớn của Việt Nam như dự án hạ tầng giao thông (sân bay, cảng biển, giao thông đô thị, cao tốc), dự án môi trường, hạ tầng khu công nghiệp…

Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Trung Đông mở rộng nhập khẩu các thực phẩm Halal, sản phẩm nông sản, hoa quả, thủy hải sản… từ Việt Nam. Khuyến khích hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng các chuỗi cung ứng (bao gồm cả việc thành lập doanh nghiệp hoàn thiện sản phẩm tại các quốc gia Trung Đông để giảm giá thành) để trở thành đầu mối xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp, nông lâm sản sang các quốc gia Vùng Vịnh và Trung Đông rộng lớn.

Thứ trưởng nhấn mạnh, với tầm nhìn: “Một Việt Nam phát triển là cơ hội thúc đẩy tăng trưởng cho các quốc gia Trung Đông” và “Một Trung Đông thịnh vượng cũng là cơ hội để Việt Nam phát triển”, Việt Nam luôn mong muốn và sẵn sàng mở cửa đón các dự án đầu tư mới của các nhà đầu tư Trung Đông. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ cùng các Bộ, ngành và các địa phương hợp tác với các tổ chức doanh nghiệp để tạo nên những mô hình hợp tác mới, để tạo nên động lực phát triển mới cho các doanh nghiệp Trung Đông và Việt Nam.

Phó Cục trưởngĐỗ Văn Sử phát biểu. Ảnh: MPI

Phó Cục trưởng Đỗ Văn Sử cho biết, đến nay đã có 141 nước và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với tổng số 34.072 dự án. Vốn đăng ký lũy kế đạt trên 400,6 tỷ đô la Mỹ. Hàn Quốc, Nhật Bản, Xinh-ga-po, Đài Loan và Hông-kông là những nước đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Khu vực Trung Đông có 13 nước trong 140 nước và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký trên 917,13 triệu USD với 136 dự án.Trình bày chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong bối cảnh mới, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Văn Sử đã cập nhật về Tình hình FDI tại Việt Nam; Đầu tư của các nước Trung Đông tại Việt Nam; Lợi thế khi đầu tư vào Việt Nam; Định hướng thu hút đầu tư nước ngoài và sự chuẩn bị của Việt Nam.

Các lĩnh vực tiềm năng thu hút đầu tư của Việt Nam gồm công nghiệp chế tạo; Công nghệ sinh học; Năng lượng tái tạo; Bất động sản; Ngân hàng và Bảo hiểm; Nông nghiệp và chế biến; Y tế và dược phẩm; Công nghệ thông tin và phần mềm; Hạ tầng và PPP; M&A starup…

Hội thảo có sự tham dự trực tuyến của nhiều quỹ đầu tư, tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam, Trung Đông và một số nước khác; các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài và Việt Nam tại khu vực, cùng đại diện các Bộ, Ban, ngành, địa phương. Các đại biểu đã chia sẻ những tiềm năng, lợi thế, khó khăn, vướng mắc, nắm bắt các xu hướng đầu tư ra nước ngoài của khu vực Trung Đông, các tiềm năng của thị trường Việt Nam, nhận diện các biện pháp mới và cụ thể nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác đầu tư giữa hai bên. Đây cũng là cơ hội để kết nối cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương và đối tác tiềm năng của hai bên.

 

Nguồn: ipcs.mpi.gov.vn

Biên tập: VietnamArab.net

Nguồn:

Biên tập::

Tags