Thị trường Trung Đông và châu Phi: 'Chờ' được khai thác

Thị trường Trung Đông và châu Phi: 'Chờ' được khai thác

Bộ Công thương đang phối hợp với các tỉnh, thành để mở rộng giao thương với thị trường Trung Đông và châu Phi vì đây là khu vực rộng lớn với hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong tình hình đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp (DN) cũng đang tìm thêm thị trường tiêu thụ.

Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai (Khu công nghiệp Biên Hòa 1, TP.Biên Hòa) nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Đông về để sản xuất vải không dệt. Ảnh: K.Minh

Khu vực Trung Đông, châu Phi có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 5.900 tỷ USD, trong đó khu vực Trung Đông là 3.600 tỷ USD và châu Phi 2.300 tỷ USD. Thị trường này có nhu cầu nhập khẩu nhiều các loại lương thực, hạt tiêu, cà phê, thủy sản, rau quả…

* Chưa chú ý đến thị trường Trung Đông, châu Phi          

Tuy Trung Đông và châu Phi là khu vực khá rộng lớn với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ nhưng chưa được DN Việt Nam cũng như Đồng Nai chú ý. Giao thương giữa Việt Nam và khu vực trên còn rất khiêm tốn, dù nhiều hàng hóa xuất khẩu của nước ta là những mặt hàng khu vực Trung Đông, châu Phi đang cần nhập khẩu nhiều.

Ông Bùi Hà Nam, Vụ trưởng Vụ Trung Đông - châu Phi đánh giá: “Các DN Việt Nam còn khá xa lạ với khu vực Trung Đông và châu Phi. Đây là thị trường lớn, DN khai thác sẽ mở rộng được sản xuất, xuất khẩu, tránh lệ thuộc quá lớn vào một vài thị trường, như vậy sẽ giảm bớt được rủi ro khi những thị trường lớn có những thay đổi. Thị trường Trung Đông, châu Phi “dễ tính” hơn Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản”.

Năm 2021, sau khi gặp khó ở một số thị trường, các DN Việt Nam đã bắt đầu mở rộng xuất, nhập khẩu sang Trung Đông, châu Phi nên kim ngạch vào khu vực này đạt khoảng 21,5 tỷ USD, tăng gấp 4 lần so với năm 2010. Tuy nhiên, kết quả trên vẫn kém xa so với kế hoạch Chính phủ đề ra là đạt 45 tỷ USD vào năm 2021. Giao thương với những quốc gia, vùng lãnh thổ trên chưa đạt kế hoạch do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi Lê Hoàng Anh, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Phi không có tính cạnh tranh mà có tính hỗ trợ, phù hợp cho Việt Nam với châu Phi, Trung Đông mở rộng thương mại. Khu vực trên có quy mô lớn, nhiều nước đang tiến hành đô thị hóa nhanh, DN có thể liên kết hợp tác mở rộng xuất khẩu, đầu tư. Thị trường này khá dễ tính nên các DN rất dễ dàng đưa hàng hóa vào.

Thời gian qua, các DN Việt Nam chủ yếu nhập khẩu xăng dầu, hạt điều, nhựa… từ Trung Đông, châu Phi và xuất khẩu sang khu vực trên gạo, cà phê, hạt tiêu, thủy sản, máy móc thiết bị, điện tử, dệt may, giày dép. Tại châu Phi, có những quốc gia nằm sâu trong lục địa chịu ảnh hưởng của khí hậu sa mạc ở Tây và Trung Phi rất khó khăn về trồng trọt, sản xuất lương thực thực phẩm nên nhu cầu nhập khẩu rất lớn. Vì thế, cơ hội cho DN Việt Nam xuất khẩu nông sản, thực phẩm, rau củ quả vào châu Phi rất lớn.

* Khu vực nhiều tiềm năng

Ông Hoàng Văn Lợi, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nam Phi cho hay: “Dịch bệnh Covid-19 gây thiệt hại lớn cho châu Phi nhưng khu vực này có nhiều tiềm năng để phục hồi và phát triển. Các DN Việt Nam có thể nhập khẩu thịt bò, rượu vang và xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm, rau quả, trái cây, dệt may, giày dép vào châu Phi. Tại châu Phi, nhiều khu công nghiệp có các chính sách ưu đãi rất hấp dẫn nên DN có thể đầu tư nhà máy sản xuất gỗ, dệt may, giày dép tiêu thụ trong khu vực và xuất khẩu sang những khu vực lân cận, giảm công vận chuyển”. Cũng theo ông Lợi, thông tin về thị trường Nam Phi cũng như các nước khác ở châu Phi còn khá hạn chế, DN khi cần tìm hiểu những thị trường trên có thể liên hệ với các đại sứ quán để được hỗ trợ và kết nối với DN những nước này.

Với Đồng Nai, giao thương với thị trường Trung Đông, châu Phi còn khá hạn chế. Từ năm 2016 đến nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt gần 2,37 tỷ USD. Trong đó, Đồng Nai xuất khẩu vào Trung Đông, châu Phi đạt hơn 1,13 tỷ USD, nhập khẩu 1,23 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu qua khu vực trên chủ yếu là Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất, Nigeria. Các DN Đồng Nai nhập khẩu nhiều hạt điều thô, xăng dầu, hạt nhựa, nguyên liệu cho ngành dệt may…

Phó giám đốc Sở Công thương Lê Văn Lộc cho biết: “Giao thương của Đồng Nai với Trung Đông, châu Phi còn ít do các DN thiếu thông tin về những thị trường trên. Do đó, tỉnh đề nghị Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương làm cầu nối, cung cấp thông tin hai chiều để DN Đồng Nai hiểu rõ có thể mở rộng xuất khẩu vào những quốc gia, vùng lãnh thổ trên. Đồng thời, tỉnh cũng đề nghị, giới thiệu các đối tác và DN tiềm năng của Trung Đông, châu Phi đến tìm hiểu, đầu tư vào Đồng Nai”.

 

Nguồn: baodongnai.com.vn

Biên tập: VietnamArab.net

Nguồn:

Biên tập::

Tags