Xây dựng thương hiệu hàng hoá Việt tại thị trường Ả-rập Xê-út

Xây dựng thương hiệu hàng hoá Việt tại thị trường Ả-rập Xê-út

Hầu hết hàng hoá việt Nam xuất khẩu sang thị trường Ả-rập Xê-út đều mang thương hiệu nước ngoài, điều này đang hạn chế sự nhận diện của người tiêu dùng tại thị trường nhiều tiềm năng này.

Những năm gần đây, quan hệ thương mại Việt Nam- Ả-rập Xê-út đang phát triển tích cực. Bà Nguyễn Thu Thuỷ- Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu – Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) – cho hay: Đây cũng là thị trường quan trọng của Việt Nam ở khu vực Trung Đông. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu tháng 1/2022 của Việt Nam sang Ả-rập Xê-út đạt trên 38,8 triệu USD, chủ yếu là hàng dệt may, giày dép, linh kiện và phụ tùng xe gắn máy, nông và thủy sản.

Cho rằng, Việt Nam có nhiều khả năng gia tăng xuất khẩu sang Ả-rập Xê-út, ông Trần Trọng Kim- Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Ả-rập Xê-út – phân tích: 95% diện tích là sa mạc, cát và đá, nền sản xuất của Ả-rập Xê-út, nhất là nông nghiệp rất hạn chế. Quốc gia này đang nhập khẩu nhiều nông, thuỷ sản, hàng tiêu dùng, máy móc, thiết bị từ các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Riêng với nông sản, mỗi năm Ả-rập Xê-út nhập khẩu khoảng 1,7 triệu tấn, trong đó nhập khẩu từ Việt Nam 32.000 tấn, phần lớn là gạo Jasmine. Rau, quả tươi chủ yếu là thanh long, chanh leo, chanh không hạt, dừa tươi… tuy nhiên, số lượng nhập khẩu không nhiều.

Thuỷ sản, người tiêu dùng Ả-rập Xê-út ưa dùng sản phẩm tươi như tôm, cá mực, thuỷ sản đóng hộp có cá ngừ. Hiện mới có 12 doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường Ả-rập Xê-út. Chỉ trong 6 tháng sau khi được phép xuất khẩu trở lại một số sản phẩm thuỷ sản đánh bắt, số doanh nghiệp này đã xuất khẩu tới 19 triệu USD giá trị hàng hoá.

Cần xây dựng thương hiệu cho hàng hoá Việt xuất khẩu sang thị trường Ả-rập Xê-út

Cũng theo ông Trần Trọng Kim, dù đã có mặt trên thị trường Ả-rập Xê-út, tuy nhiên sự nhận diện của người tiêu dùng quốc gia sở tại với hàng hoá Việt rất mờ nhạt. Nguyên do, sản phẩm xuất khẩu sang Ả-rập Xê-út hầu hết được đóng gói, dán nhãn mác theo yêu cầu của nhà nhập khẩu và đưa vào thị trường. “Việc xây dựng thương hiệu rất quan trọng cho xuất khẩu bền vững, bên cạnh việc sản xuất, dán nhãn mác theo yêu cầu của nhà nhập khẩu, doanh nghiệp cũng cần lưu ý xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình”, ông Trần Trọng Kim cho hay. Đồng thời lưu ý thêm, người tiêu dùng Ả-rập Xê-út thường quan tâm tới các thương hiệu lớn.

Để xuất khẩu an toàn sang thị trường Ả-rập Xê-út, ông Trần Trọng Kim cũng lưu ý: Doanh nghiệp trong nước cần đáp ứng đúng và đủ các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và quy định nhãn mác đóng gói khi xuất khẩu hàng hoá.

Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Ả-rập Xê-út (SFDA) ban hành và quy định các điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn châu Âu và Mỹ, đồng thời kiểm tra việc tuân thủ các quy định rất nghiêm ngặt. Doanh nghiệp vi phạm sẽ bị tước giấy phép kinh doanh, phạt tiền, thậm chí phạt tù, tất cả hàng vi phạm đều bị tiêu thuỷ. Hàng hoá nước ngoài không đảm bảo chất lượng sẽ bị từ chối thông quan. Hàng tháng, cơ quan chức năng của Ả-rập Xê-út tiến hành kiểm tra trên khắp đất nước, đưa ra khuyến cáo với người dân về sản phẩm chưa đảm bảo an toàn và đề nghị cần loại bỏ trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng. SFDA cũng ban hành các quy định về tồn dư thuốc kháng sinh cho phép trên tất cả các loại nông sản, thực phẩm, doanh nghiệp cần tìm hiểu chi tiết. Ngoài ra, sản phẩm xuất khẩu còn phải đáp ứng các quy định của Tổ chức Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng Ả-rập Xê-út về nhãn mác, quy cách đóng gói, ngôn ngữ sử dụng…

Từ bài học phải tạm ngừng xuất khẩu thủy sản, theo Đại sứ quán Việt Nam tại Ả-rập Xê-út, Ả-rập Xê-út là thị trường có yêu cầu, đòi hỏi cao về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, các doanh nghiệp cần rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát môi trường nuôi trồng, sản xuất tại các cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản để đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thủy sản xuất khẩu. Tránh để ảnh hưởng đến quá trình đánh giá hồ sơ của SFDA đối với các doanh nghiệp khác. Việc này cũng góp phần hạn chế khả năng phía Ả-rập Xê-út xem xét áp dụng lại lệnh cấm nhập khẩu đối với các sản phẩm thủy sản từ Việt Nam trong tương lai.

Ngoài ra, theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Ả-rập Xê-út, khi đàm phán, giao dịch với nhà nhập khẩu, doanh nghiệp trong nước cần thực hiện nhanh. Đồng thời, tránh giao dịch vào thời gian cầu nguyện trong ngày và ngày nghỉ (thứ 6,7 hàng tuần), nhất là thứ 6- ngày lễ chính của người dân theo đạo hồi.

Nhà nhập khẩu Ả-rập Xê-út ưa quan sát, trực tiếp kiểm tra sản phẩm, khi chào hàng, doanh nghiệp nên gửi hàng mẫu cho đối tác. Về thanh toán, doanh nghiệp thực hiện theo hình thức trả trước hoặc thanh toán qua hợp đồng LC không huỷ ngang, có đặt cọc để tránh rủi ro mất hàng. “Đặc biệt, thời gian gần đây, có nhiều đối tác môi giới chào mua, bán hàng với công ty Việt Nam với nhu cầu lớn sau đó yêu cầu phía Việt Nam trả phí môi giới, phí luật sư và phí chấp thuận hợp đồng. Đây là chiêu trò mà các đối tượng lừa đảo hay sử dụng, doanh nghiệp cũng nên cảnh giác”, ông Trần Trọng Kim khuyến cáo.

Sản phẩm organic xanh, sạch, thân thiện môi trường đang rất được ưa chuộng tại Ả-rập Xê-út, doanh nghiệp trong nước có thể khai thác xu hướng này để vừa đón cơ hội thị trường, vừa gia tăng giá trị cho hàng xuất khẩu.

Nguồn: nhipcaudoanhnhan.net

Biên tập: VietnamArab.net

Nguồn:

Biên tập::

Tags