Xuất khẩu của Việt Nam bứt phá, vui nhưng vẫn lo

Xuất khẩu của Việt Nam bứt phá, vui nhưng vẫn lo

Việc mở cửa giúp kinh tế Việt Nam (VN) khởi sắc, đặc biệt xuất khẩu bứt phá mạnh mẽ. Nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh lãi lớn ngay trong quý đầu năm. Việt Nam đã chứng tỏ khả năng vươn lên trong chuỗi cung ứng và trở thành một trung tâm sản xuất quan trọng trong ngành hàng công nghệ.

Tuy nhiên, các đơn vị sản xuất, kinh doanh sẽ phải vượt qua không ít khó khăn, thách thức phía trước.

Tấp nập đơn hàng xuất khẩu

Trong bốn tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may của VN tăng mạnh 22,2%, đạt 11,8 tỉ USD. Dự báo năm nay, ngành dệt may có thể đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 47 tỉ USD, mức kỷ lục từ trước đến nay.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN (VITAS), đánh giá trong những tháng đầu năm, ngành dệt may có nhiều yếu tố thuận lợi để đạt được kết quả khởi sắc như vậy. Thứ nhất, Trung Quốc vẫn thực hiện chính sách “zero COVID” khiến nhiều đơn hàng của nhà nhập khẩu quốc tế chuyển dịch từ Trung Quốc sang VN.

Thứ hai, với 14 hiệp định thương mại tự do đã được ký kết giúp các nhà kinh doanh mở rộng thị trường, cơ cấu lại thị trường. Thứ ba, chính sách chống dịch của VN linh hoạt, đúng đắn như đẩy nhanh tốc độ phủ vaccine, mở cửa thị trường trong điều kiện vừa phòng chống dịch vừa tổ chức sản xuất...

Những yếu tố trên đã tạo điều kiện cho các công ty hồi phục nhanh, tăng tốc xuất khẩu. Chẳng hạn, Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex) thông báo lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt gần 200 tỉ đồng trong quý I, gấp đôi cùng kỳ năm trước.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex, đánh giá đây là kết quả sản xuất, kinh doanh quý I tốt nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. “Kết quả tăng trưởng cao này là nhờ tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát và chúng tôi đã tận dụng tốt cơ hội từ thị trường xuất khẩu, đơn hàng nhiều, thậm chí có nhiều công ty đã ký kết đơn hàng đến quý III năm nay” - lãnh đạo Vinatex cho biết.

Không chỉ dệt may mà nhiều ngành khác cũng có kết quả xuất khẩu ấn tượng. Đơn cử tính chung bốn tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản cả nước ước tính đạt 3,6 tỉ USD, tăng gần 47% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá tra và tôm là mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh nhất. Đóng góp vào kết quả chung đó, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn thông báo lãi ròng gần 553 tỉ đồng, gấp bốn lần so với cùng kỳ. Ngoài ra, rất nhiều công ty khác cũng báo lãi khủng.

Trong báo cáo vừa công bố, Ngân hàng HSBC nhìn nhận khi nhắc tới câu chuyện phát triển đầy ấn tượng của VN, không thể không kể tới mô hình tăng trưởng lấy xuất khẩu làm động lực chính. Mô hình này đang giúp kinh tế VN hồi phục nhanh chóng kể từ khi chiến lược mở cửa trở lại bắt đầu. Xuất khẩu của VN đang dần lấy lại hào quang chiến thắng trước đây.

“Với xuất phát điểm chỉ là một nước xuất khẩu hàng may mặc và da giày có giá trị cộng thêm thấp, qua thời gian, VN đã chứng tỏ khả năng vươn lên trong chuỗi cung ứng và trở thành một trung tâm sản xuất quan trọng trong ngành hàng công nghệ” - Ngân hàng HSBC nhận xét.

Vẫn còn nhiều thách thức

Nhiều ý kiến dự báo hoạt động sản xuất, xuất khẩu có thể sẽ tiếp tục bứt phá trong thời gian tới. Tuy nhiên, để kỳ vọng thành hiện thực, các đơn vị sản xuất, kinh doanh phải vượt qua không ít thách thức.

Đơn cử với dệt may, giày dép, nông, lâm, thủy sản... dù đang phục hồi nhanh nhưng đối mặt với hàng loạt vấn đề, nhất là nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc. Chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN Vũ Đức Giang thừa nhận Trung Quốc là nhà cung cấp vải, nguyên liệu chính của ngành may mặc VN. Vì vậy, nếu nguồn cung suy giảm do chính sách “zero COVID” của nước này sẽ làm ảnh hưởng đến giá đầu vào và việc đáp ứng đơn hàng của các công ty may mặc nước ta.

“Vấn đề sống còn của dệt may VN là giải pháp cho vấn đề nguồn cung nguyên liệu thiếu hụt. Hiện ngành dệt may đang xúc tiến, kêu gọi các chương trình đầu tư vào phát triển nguồn cung để phát triển ổn định, bền vững. Chúng tôi cũng đang khuyến khích phát triển sợi từ cây gai, vì đây là một trong những giải pháp cho sự phát triển bền vững của ngành” - ông Giang nhấn mạnh.

Với ngành gỗ, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Lâm Việt, cũng nhận định từ nay đến cuối năm ngành sẽ gặp rất nhiều thử thách. Lý do, thị trường của ngành gỗ chủ yếu là Mỹ và châu Âu, tuy nhiên vấn đề lạm phát đang gia tăng tại các nước khiến người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Cùng với đó là giá vận chuyển tăng cao, khiến nhà xuất khẩu Việt giảm sức cạnh tranh trước các đối thủ.

Bộ Công Thương khẳng định sẽ hỗ trợ các nhà xuất khẩu về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới. Bộ cũng đang theo dõi sát những biến động của tình hình quốc tế, chủ động đánh giá các tác động của các sự kiện đó đến sản xuất, xuất nhập khẩu của VN để kịp thời có sự điều chỉnh, ứng phó thích hợp.

 

Nguồn: plo.vn

Biên tập: VietnamArab.net

Nguồn:

Biên tập::

Tags