Xuất khẩu nông sản khởi sắc ngay đầu năm

Xuất khẩu nông sản khởi sắc ngay đầu năm

Những ngày đầu năm 2022, nhiều chuyến hàng nông sản XK đã kịp “cập bến” một loạt thị trường lớn. Dự báo XK các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam vẫn tiếp tục “thuận buồm xuôi gió” trong thời gian tới.

Tới tấp tin vui

Vừa bước sang năm 2022, ngay ngày 5/1/2022, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với TP Long Khánh tổ chức lễ ra quân XK nông sản chế biến tỉnh Đồng Nai đầu năm 2022. Theo đó, Công ty Cổ phần công nghệ thực phẩm Lương Gia (khu công nghiệp Long Khánh, TP. Long Khánh) đã xuất 5 container hàng tương đương khoảng 95 tấn trái cây sấy dẻo vào thị trường EU, Nga, Hàn Quốc và Trung Đông.

Tiếp đó, ngày 6/1/2022, tại cảng TPHCM, tàu quốc tế DONG HONG quốc tịch LYBRRIA đã bốc xếp 11.111 tấn gạo của Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An. Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, số lượng gạo 11.111 tấn DN trúng thầu bán cho Hàn Quốc là loại gạo lứt (chỉ mới bóc vỏ trấu) với giá 574 USD/tấn (giá CIF giao tại cảng Ulsan, Hàn Quốc). Sau khi trừ đi các chi phí, lô gạo có giá còn khoảng 460 USD/tấn (giá FOB), cao gần bằng gạo trắng 5% tấm.

“Việc giao hàng ngay những ngày đầu năm 2022 là tín hiệu vui, tạo đà tăng tốc XK gạo chất lượng cao vào thị trường khó tính của Việt Nam trong năm nay”, vị doanh nhân này nói.

Không chỉ các mặt hàng quen thuộc như trái cây chế biến, lúa gạo, mới đây Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hoà Bình phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) và Công ty Cổ phần Kim Bôi (khu Vai, thị trấn Ba Hàng Đồi, huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hoà Bình) còn tổ chức lễ XK hàng nông sản đầu tiên sang thị trường Nhật Bản năm 2022 với mặt hàng măng chế biến và miến dong. Theo đó, 28 tấn hàng đã vượt qua những yêu cầu kiểm dịch khắt khe, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng tốt nhất để được XK.

Niềm vui vẫn tiếp nối ngay trong những ngày tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (đầu tháng 2/2022) khi XK trái cây sang Trung Quốc được khơi thông. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ngay từ ngày 3/2/2022 (ngày mùng 3 Tết), nhiều container chở chuối, thanh long… đã được XK sang Trung Quốc. Sáng 3/2/2022, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn) đã chính thức mở cửa thông quan trở lại sau quãng thời gian nghỉ tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Việc mở cửa thông quan trở lại ở cả 2 cửa khẩu này đều diễn ra sớm hơn 3 ngày.

Thống kê sơ bộ trong tháng 1/2022, XK rau quả của Việt Nam đạt gần 301 triệu USD, tăng 0,3% với tháng 12/2021, tháng cao điểm XK của năm.

“Theo thông lệ hàng năm vào mùa xuân, giá trái cây sẽ ở mức cao do Trung Quốc vẫn còn mùa lạnh, hàng nội địa ít, cần NK trái cây số lượng lớn”, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam phân tích.

Nhiều cơ hội

Thời gian tới, XK nhiều mặt hàng nông sản được dự báo vẫn tương đối khả quan. Với mặt hàng gạo, bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty Lương thực thực phẩm Long An nhận định, năm 2022 có nhiều cơ hội cho XK gạo Việt bởi nhu cầu của thế giới tăng. Bên cạnh đó, chất lượng gạo Việt Nam được người tiêu dùng trên nhiều nước ưa chuộng. Đáng chú ý, ngoài các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Malaysia, Mỹ, các nước châu Phi, Hàn Quốc…, XK gạo sang EU dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2022 bởi hỗ trợ của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thông tin thêm, năm 2022, XK gạo của Việt Nam sang EU dự báo tăng khá. Chất lượng gạo Việt Nam được cải thiện, chủ yếu là các loại gạo thơm, đánh trúng được thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu. Việc tận dụng lợi thế của Hiệp định EVFTA để XK gạo thơm với thuế 0% nằm trong tay các DN có vùng nguyên liệu lớn, được canh tác theo tiêu chuẩn cao như Lộc Trời, Tân Long, Trung An…

Tương tự, với mặt hàng cà phê, đại diện Cục Xuất nhập khẩu phân tích, năm 2021, bất chấp ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, trị giá XK cà phê Việt Nam vẫn ghi nhận được mức tăng trưởng 2 con số nhờ giá XK tăng. Dự báo, XK cà phê của Việt Nam trong năm 2022 sẽ tiếp tục khả quan nhờ nguồn cung dồi dào, các FTA tạo lợi thế cạnh tranh cho cà phê Việt Nam và giá XK nhiều khả năng duy trì ở mức cao.

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2022, ngành NN&PTNT tiếp tục có nhiều cơ hội, nhưng cũng đứng trước những thách thức như: dịch bệnh Covid-19 làm thay đổi nhu cầu và phương thức tiêu dùng, đòi hỏi sự chuyển đổi phù hợp về tổ chức sản xuất và cơ cấu lại kênh phân phối, kết nối cung – cầu đối với sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản.

Ở góc độ phát triển thương mại, thúc đẩy tiêu thụ, tăng cường XK nông, lâm, thuỷ sản, Bộ NN&PTNT xác định nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh và tiếp cận thị trường cho sản phẩm nông nghiệp; gia tăng XK nông sản có lợi thế, thị trường; mở rộng thị trường XK chính ngạch các sản phẩm chủ lực. Cùng với đó, Bộ NN&PTNT cũng đẩy nhanh tiến độ đàm phán mở rộng thị trường XK sang các nước EU theo EVFTA và các nước theo FTA Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á – Âu (VN-EAEU FTA), chú ý thị trường Nga và thị trường tiềm năng khác.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nêu rõ, Bộ NN&PTNT đang tham vấn các Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, trước mắt là khối EU và Trung Quốc để xây dựng Đề án XK nông sản bền vững, không để tình trạng tới mùa vụ mới đi thu gom nông sản XK mà phải khởi tạo được vùng nguyên liệu chuẩn hoá.

“Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng liên minh Hiệp hội của các đơn vị XK nông sản, lần đầu tiên có sự tham gia của các DN logistics để phối hợp giảm chi phí trung gian…”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

 

Nguồn: nhipcaudoanhnhan.net

Biên tập: VietnamArab.net

 

Nguồn:

Biên tập::

Tags