Xuất khẩu vào Kuwait: Kim ngạch khiêm tốn

Xuất khẩu vào Kuwait: Kim ngạch khiêm tốn

Với GDP bình quân đầu người ở mức cao, nhu cầu tiêu dùng ổn định, Kuwait là thị trường đầy tiềm năng cho hàng Việt, điển hình là nông sản, thủy sản, đồ gỗ… Tuy nhiên, để cải thiện kim ngạch XK vào thị trường này, DN cần đặc biệt lưu ý những tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa của đạo Hồi; yêu cầu về chứng nhận tiêu chuẩn Halal.

 

 

 

 

Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), những năm qua, quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Kuwait phát triển khá tốt đẹp. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng mạnh kể từ năm 2018. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy: kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Kuwait năm 2021 đạt hơn 4,78 tỷ USD, tăng khoảng 49% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, XK của Việt Nam đạt hơn 60 triệu USD.

 

 

Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại) cho biết, các mặt hàng XK chính của Việt Nam sang Kuwait gồm: điện thoại di động; thiết bị điện tử và phụ tùng; thủy sản; đồ gỗ; nông sản (rau quả, chè, gạo, hạt tiêu, quế, hoa hồi)… Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tỷ trọng cao nhất, tiếp đến là hàng rau quả, phương tiện vận tải, thủy sản. Ở chiều ngược lại, Việt Nam NK từ Kuwait đạt hơn 4,7 tỷ USD, tăng 49% so với cùng kỳ năm 2020. Sản phẩm NK chủ yếu là dầu thô phục vụ cho hoạt động lọc hóa dầu của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.

 

 

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy thông tin thêm, Kuwait là quốc gia nằm ở khu vực Trung Đông với dân số 4,3 triệu người cùng diện tích 17.818 km2. Năm 2021, GDP nước này ước đạt 208 tỷ USD, tăng trưởng 2,3%. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 52.000 USD. Kuwait có nền kinh tế mở, phát triển ngoại thương, thu hút đầu tư nước ngoài và là một trong những trung tâm thương mại, tài chính của khu vực Trung Đông. Đáng chú ý, kim ngạch XK của Kuwait đạt khoảng 60 tỷ USD/năm (chủ yếu là XK dầu mỏ) và NK khoảng 30 tỷ USD/năm. Như vậy, kim ngạch XNK của Việt Nam với thị trường này còn khá khiêm tốn so với tiềm năng, đặc biệt là kim ngạch XK.

 

 

Với 82% diện tích đất nước là sa mạc, ngoài nguồn thu về dầu mỏ, Kuwait chưa sản xuất được nhiều sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, hàng tiêu dùng. Bên cạnh đó, GDP bình quân đầu người của Kuwait ở mức cao nên nhu cầu tiêu dùng hàng hóa rất ổn định. “Vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam có thể đẩy mạnh XK nhóm hàng nông sản; thủy sản; gỗ và sản phẩm gỗ; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng… là những mặt hàng mà phía Kuwait đang có nhu cầu”, ông Trần Trung Hiếu, Bí thư thứ hai, Thương vụ Việt Nam tại Kuwait nhấn mạnh.

 

 

Lưu ý yêu cầu về chứng nhận Halal

 

 

Để thúc đẩy XK hàng hóa vào thị trường Kuwait, từ góc độ DN, ông Ali Al Sayegh, Chủ tịch Công ty quốc tế Lemonade về quản lý hội nghị và triển lãm (tại Kuwait) kiêm Chủ tịch Công ty Cổng thông tin quốc tế về xuất nhập khẩu (tại Việt Nam) chia sẻ: khi kinh doanh với thị trường Kuwait, các DN cần lưu ý về nhu cầu thị trường để có những sản phẩm phù hợp với các yếu tố về văn hóa, đồng thời để các sản phẩm có thể cạnh tranh được với sản phẩm các nước khác như Trung Quốc, Thái Lan…

 

 

Lấy ví dụ cụ thể về việc XK mặt hàng chuối sang thị trường Kuwait, ông Trần Trung Hiếu nêu rõ: hiện nay, Kuwait đang NK chuối chủ yếu từ 2 thị trường Philippines và Ecuador với sản lượng khá lớn. Sản phẩm chuối của Việt Nam có thể đưa sang thị trường Kuwait được nhưng phải tìm hiểu, lựa chọn nhà phân phối hoa quả tươi hoặc một số siêu thị, hệ thống phân phối tập trung bán cho người Đông Á và Nam Á với mức giá phù hợp.

 

 

Ông Hiếu cũng thông tin thêm: một trong những mặt hàng hiện đang được cơ quan quản lý nhà nước tập trung, đẩy mạnh xúc tiến XK vào thị trường Kuwait nói riêng và Trung Đông nói chung là trà xanh. Tại khu vực Trung Đông, trà là sản phẩm khá đặc thù được sử dụng nhiều; văn hóa uống trà sử dụng đến 90% là trà đen. Trà xanh chưa được thị trường biết đến nhiều nên tiềm năng khá lớn.

 

 

Tương tự, với các mặt hàng khác được nhiều DN Việt Nam quan tâm, tìm hiểu thúc đẩy XK sang thị trường Kuwait như mỳ khô, phở khô, đồ ăn liền, Bí thư thứ hai, Thương vụ Việt Nam tại Kuwait nhấn mạnh: “Các sản phẩm phở khô, mỳ khô ở thị trường này chưa có nhiều. Tuy nhiên, DN vẫn cần đặc biệt lưu ý đến thị hiếu của người Kuwait để xây dựng kế hoạch thâm nhập thị trường đạt hiệu quả”.

 

 

Một số ý kiến cho rằng, khi tập trung thúc đẩy XK vào thị trường Kuwait, các DN nhất thiết phải lưu ý đến nét đặc trưng của Kuwait là văn hóa Arab, ngôn ngữ Arab và đạo Hồi chính thống. Từ đó, các DN cần có các sản phẩm XK phù hợp theo tiêu chuẩn chất lượng của đạo Hồi. Ví dụ, DN cần lưu ý các loại sản phẩm cấm kỵ như: các loại đồ uống có cồn; sản phẩm có nguồn gốc từ thịt lợn...

 

 

Ngoài ra, với Kuwait nói riêng hay thị trường Trung Đông nói chung, DN đều cần phải đặc biệt chú ý yêu cầu về chứng nhận tiêu chuẩn Halal. Thị trường Hồi giáo có sức mua lớn và nhu cầu cao đối với các sản phẩm Việt Nam, không có nhiều các rào cản kỹ thuật và thuế quan nhưng thường yêu cầu sản phẩm phải có chứng nhận Halal. Tùy theo thị trường XK mà DN tìm hiểu quy định về chứng nhận Halal như: quy định Malaysia; quy định của các nước vùng vịnh (2017); quy định Indonesia; quy định UAE (GAC+ESMA)…

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn: haiquanonline

Biên tập:: Vietnamarab Team

Tags