Thị trường châu Phi rộng mở nhưng không dễ với doanh nghiệp Việt
Theo các tham tán thương mại, châu Phi còn nhiều tiềm năng cho các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như cà phê, gạo… Tuy nhiên, theo đại diện một doanh nghiệp tư vấn xuất khẩu cho biết, doanh nghiệp Việt cần chủ động hơn trong việc tiếp cận thị trường.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu phát biểu tại hội nghị.
Chiều ngày 14/6, Hội nghị giao thương thực phẩm giữa Việt Nam – châu Phi do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) phối hợp với thương vụ các quốc gia tại châu Phi được tổ chức, nhằm cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp Việt Nam đang có kế hoạch tiến vào thị trường châu lục này.
Đối với thị trường Algeria, ông Hoàng Đức Nhuận, thương vụ Việt Nam tại Algeria ((kiêm nhiệm Mali, Senegal, Niger, Zambia, Tunisia) cho biết, Algeria là một trong 5 quốc gia phát triển nhất châu Phi nhưng nền kinh tế của nước này lại phụ thuộc phần lớn vào dầu khí (chiếm tới 94% tổng kim ngạch xuất khẩu).
Do vậy, Algeria gần như phải nhập khẩu toàn bộ lương thực, thực phẩm. Mặt khác, thị trường này còn có quy mô dân số lớn, ở mức 44 triệu người với GDP bình quân đạt 3.499 USD/năm. Đây cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hóa thực phẩm sang quốc gia này.
Trong thương mại song phương với Việt Nam, giai đoạn 2015 – 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Algeria đạt mức cao nhất vào năm 2017, ở mức 281,34 triệu USD. Sau đó, do lệnh cấm nhập khẩu nhiều mặt hàng, đánh thuế phòng vệ bổ sung tạm thời của đại dịch nên xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường này bị sụt giảm, chỉ đạt 153,3 triệu USD vào năm 2021.
Đối với thị trường Nam Phi, ông Phạm Thanh Hải, thương vụ Việt Nam tại Nam Phi (kiêm nhiệm Namibia, Zimbabwe, Botswana, Lesotho, Swaziland, Mozambique) cho biết, thương mại song phương giữa Việt Nam và Nam Phi luôn duy trì ở mức ổn định. Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này đạt 847,3 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường này chủ yếu là điện thoại di động và linh kiện; máy tính sản phẩm điện tử; giày dép; hạt tiêu; hạt điều.
Thị trường này tiêu thụ thịt tương đối lớn, tuy nhiên Việt Nam lại chưa xuất khẩu sản phẩm này sang Nam Phi.
Ông Phạm Thanh Hải, thương vụ Việt Nam tại Nam Phi chia sẻ thông qua hình thức trực tuyến.
Đối với thị trường Nigeria, theo ông Trần Hùng Cường, đại diện thương vụ Việt Nam tại Nigeria (kiêm nhiệm Ghana, Cameroon, Togo, Chad, Sierra Leone và Liberia) nhận định, đây là thị trường có nhu cầu nhập khẩu nhiều mặt hàng, trong đó có các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như gạo, dệt may…
Đặc biệt, Nigeria là thị trường có khả năng tiêu thụ thủy sản rất lớn, đặc biệt là cá thu. Trung bình, nhu cầu của thị trường này là 1,9 triệu tấn/năm, trị giá nhập khẩu ước đạt 1,2 tỷ USD. Trong giai đoạn 2019 – 2021, Việt Nam xuất khẩu hàng thủy sản sang Nigeria trung bình ước đạt 900.000 USD/năm. Trong khi đó, xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 200.000 USD/năm.
Lưu ý khi xuất khẩu sang các thị trường tại châu Phi
Đối với thị trường Algeria, ông Hoàng Đức Nhuận cho biết, doanh nghiệp xuất khẩu hàng thực phẩm sang thị trường này phải lưu ý khi tìm kiếm và giao dịch với đối tác nhập khẩu.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần chú ý đến khi gửi thư chào hàng qua bên đối tác. Theo ông Nhuận, thư nên được viết dưới dạng văn bản có đóng dấu với đầy đủ thông tin địa chỉ liên hệ kèm theo catalog (ấn phẩm giới thiệu sản phẩm).
Về giá sản phẩm đưa ra, doanh nghiệp nên đưa ra mức hợp lý do thuế nhập khẩu vào thị trường này khá cao. Mặt khác, các đối tác Algeria cũng thường xuyên tham khảo giá từ phía các nhà sản xuất và cục xúc tiến của các quốc gia khác.
Bao bì xuất khẩu vào thị trường này bắt buộc phải ghi bằng tiếng Arab và thêm ngôn ngữ Anh hoặc Pháp. Trên sản phẩm, doanh nghiệp cần nêu rõ tên mặt hàng, trọng lượng tịnh, tên hoặc thương hiệu, nước xuất xứ….
Về phương thức thanh toán, doanh nghiệp nên thanh toán thông qua phương thức L/C có xác nhận của ngân hàng. Ngoài ra đề nghị phía đối tác cọc ít nhất 25% để đảm bảo tính an toàn cho hàng hóa.
Đối với thị trường Nigeria, chính phủ nước này quy định nhãn mác vào thị trường này như tên sản phẩm, xuất xứ, các thông tin kỹ thuật, ngày sản xuất, số lô hàng và các tiêu chuẩn kiểm tra hàng hóa, tên hàng hoá bắt buộc phải sử dụng tiếng Anh và có kèm theo ngôn ngữ khác.
Với hàng hóa liên quan đến sức khỏe như thực phẩm, hóa chất, dược phẩm đồ uống, mỹ phẩm, trên nhãn mác phải có thêm thông tin ngày hết hạn, thành phần của sản phẩm. Các thiết bị hướng dẫn sử dụng và thông tin sản phẩm và phiếu bảo hành.
Ông Trần Hùng Cường, đại diện thương vụ Việt Nam tại Nigeria, trả lời các doanh nghiệp thông qua hình thức trực tuyến.
Nhiều doanh nghiệp Việt xuất khẩu sang thị trường châu Phi đã gặp phải tình trạng lừa đảo. Phía thương vụ khuyến cáo doanh nghiệp trước khi giao dịch cần xác minh thông tin liên quan đến doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể liên hệ với Thương vụ để xác minh lại thông tin chính xác nhất.
Khi đó, phía doanh nghiệp Việt cần cung cấp 3 thông tin cần thiết cho thương vụ. Bao gồm: gửi giấy phép đăng ký kinh doanh (bản màu); mã số thuế và thông tin ngân hàng của doanh nghiệp đối tác. Khi có thông tin đầy đủ, phía thương vụ sẽ xác minh lại giúp doanh nghiệp xuất khẩu.
Doanh nghiệp xuất khẩu cần nắm chắc kiến thức về thị trường
Chia sẻ với Mekong Asean, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc công ty Nguyễn Anh Group (một công ty chuyên tư vấn cho các doanh nghiệp xuất khẩu) cho biết, doanh nghiệp muốn xuất khẩu sang châu Phi cần phải nghiên cứu thị trường thật kỹ.
Theo ông Tuấn, các doanh nghiệp cần phải tiếp xúc trực tiếp với thị trường, đối tác, giới thiệu sản phẩm trực tiếp thì khả năng xuất khẩu sẽ lớn hơn. Doanh nghiệp cần đến các hội chợ, triển lãm quốc tế nhiều hơn. “Chúng tôi chỉ có thể tư vấn thị trường này có nhu cầu về mặt hàng này không nhưng nhu cầu bao nhiêu, ai là người mua, ai là người phân phối thì chúng tôi không thể biết hết được”, ông Tuấn nói.
So với các quốc gia xuất khẩu trong khu vực về mặt xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, Việt Nam đã đi chậm hơn so với Nhật Bản 40 năm, Trung Quốc và Thái Lan 30 năm, Indonesia và Malaysia 20 năm. Nếu muốn vượt đối thủ, doanh nghiệp Việt phải có ưu thế hơn.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, doanh nghiệp Việt hiện không có sự chú trọng trong vấn đề đầu tư cho quảng bá, đầu tư cho sản phẩm (về mẫu mã, chất lượng và xuất khẩu các sản phẩm còn thô sơ).
Xuất khẩu thô sang các thị trường cao cấp đã khó, trong khi đó tính cạnh tranh cũng không cao. Ông Tuấn cho rằng, Ấn Độ và Trung Quốc là 2 quốc gia xuất khẩu thô lớn nhất thế giới, nếu xuất khẩu sản phẩm thô thì Việt Nam không thể cạnh tranh với 2 nước lớn như vậy. Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt nên sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm tinh.
Mặt khác, đối với thị trường châu Phi, tiêu dùng phân khúc cao ở thị trường này vẫn đang phát triển. Thay vì tập trung vào phần lớn dân cư sống ở ngoại ô và vùng quê, doanh nghiệp có thể chuyển sang tập trung vào phân khúc thị trường cao cấp ở đây.
Theo ông Tuấn: “Người giàu ở châu Phi rất nhiều, họ sống tập trung ở các thành phố lớn. Không sợ không có cơ hội nhưng vấn đề của doanh nghiệp Việt là tầm nhìn toàn cảnh và văn hóa vùng miền, trước khi muốn xuất khẩu phải tìm hiểu thật kỹ”.
Cuối cùng, ông Tuấn nhấn mạnh, trước khi xuất khẩu, doanh nghiệp phải thực hiện 4 điều sau. Thứ nhất, nghiên cứu thị trường. Thứ 2, nghiên cứu sản phẩm. Thứ 3, Có chiến lược cạnh tranh. Thứ 4, cần xây dựng hệ thống bán buôn, bán lẻ.