Xuất khẩu gạo sang thị trường Algeria: Thách thức nào đang chờ doanh nghiệp Việt?

Xuất khẩu gạo sang thị trường Algeria: Thách thức nào đang chờ doanh nghiệp Việt?

Hiện thị trường Algeria nhập khẩu khoảng 100.000 tấn gạo/năm, chiếm trên 1% cơ cấu tiêu dùng lương thực. Algeria chủ yếu nhập khẩu gạo trắng, hạt dài, 5% tấm, gạo đồ và basmati.

Doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu được gạo sang Algeria nhưng “phong độ” không ổn định. Nếu năm 2019, đạt 6,28 triệu USD, năm 2020 giảm mạnh, xuống còn 383 tấn gạo, đạt trên 274 nghìn USD. Số liệu từ Thương vụ Việt Nam tại Algeria chưa ghi nhận con số xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Algeria năm 2021.

Gạo Việt Nam, loại 5% tấm trên thị trường Algeria đang được bán với giá khoảng 2USD/kg và phải cạnh tranh quyết liệt với gạo đến từ Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan…

Theo ông Hoàng Đức Nhuận- Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Algeria: Xuất khẩu gạo từ Việt Nam sang Algeria gặp nhiều thách thức. Đầu tiên là thuế, gạo Việt Nam nhập khẩu vào Algeria đang chịu mức thuế thông thường 5%, thuế VAT 9%, thuế đoàn kết 2%, thuế khấu trừ 2%.

Hai nước hiện chưa có và chưa là thành viên của hiệp định song phương, đa phương nào nên gạo Việt Nam hiện yếu thế cạnh tranh hơn mặt hàng cùng loại đến từ một số quốc gia khác. Đơn cử, trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do Algeria- EU, Algeria đang miễn thuế nhập khẩu trong phạm vi hạn ngạch 2.000 tấn gạo cho các nước thành viên của EU. Chỉ khi dùng hết hạn ngạch này, gạo đến từ EU nhập khẩu vào Algeria mới phải chịu thuế 5%. Cùng đó, Algeria cũng miễn thuế nhập khẩu với gạo có nguồn gốc từ Ả rập trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do khu vực đại Ả rập.

Một điểm nữa, theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Algeria, khoảng cách địa lý quá xa trong khi cước vận chuyển vẫn cao, khoảng 6.000 USD/container 20 feet, 13.000-14.000 USD/container 40 feet cũng là thách thức lớn với doanh nghiệp Việt Nam.

Với những thách thức trên, doanh nghiệp Việt Nam được khuyến cáo cần tối ưu hoá sản xuất để hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, quảng bán thương hiệu nhằm tăng tính nhận diện trên thị trường.

Cùng đó, trong thư chào hàng, giới thiệu sản phẩm doanh nghiệp nên viết dưới dạng văn bản có đóng dấu với đầy đủ thôn tin liên hệ, địa chỉ kèm catalogue và viết bằng tiếng Pháp là rất tốt. về chào giá, nên đưa ra mức giá hợp lý do thuế nhập khẩu vào Algeria khá cao, trong khi khách hàng thường xuyên tham khảo giá của các nhà xuất khẩu khắp nơi trên thế giới.

Doanh nghiệp trong nước cũng cần kiên nhẫn trong thiết lập và duy trì quan hệ bởi đối tác Algeria thường chậm trả lời, đặc biệt là trong dịp nghỉ lễ, tháng Ramanda hoặc vào ngày thứ sáu. Khách hàng Algeria cũng chú trọng tiếp xúc trực tiếp, xem tận mắt sản phẩm nên doanh nghiệp gửi hàng mẫu hay tham gia các cuộc hội chợ, triển lãm tại Algeria giai đoạn đầu thường mang lại hiệu quả cao hơn.

Mặt khác, sản phẩm xuất khẩu sang Algeria thông tin trên nhãn mác, bao bì đối với hàng nhập khẩu bắt buộc ghi bằng tiếng Ả rập và một ngoại ngữ khác là tiếng Pháp hoặc tiếng Anh. Riêng với việc ghi nhãn mác hàng thực phẩm cần nêu rõ: Tên gọi mặt hàng, trong lượng tịnh đối với hàng đã đóng gói sẵn, tên hoặc thương hiệu đã nộp lưu chiểu và địa chỉ nhà sản xuất hoặc đóng gói, phân phối, công ty nhập khẩu. Nước xuất xứ hoặc nước hàng hoá từ đó đến.

Tại Algeria tình trạng lừa đảo qua mạng Internet dù được đánh giá không phổ biến. Tuy nhiên doanh nghiệp Việt Nam cũng được khuyến cáo cần thận trọng khi tìm kiếm bạn hàng online, hoặc giao dịch với đối tác chủ động tìm đến doanh nghiệp Việt Nam qua website. Trước khi giao dịch đề nghị đối tác cung cấp giấy phép kinh doanh, mã số thuế, bản sao hộ chiếu, thẻ căn cước của người đại diện để khi cần, các cơ quan chức năng như Thương vụ có thể hỗ trợ tư vấn xác minh.

Phương thức thanh toán nên sử dụng L/C không huỷ ngang, có xác nhận của ngân hàng uy tín EU hoặc Mỹ hoặc nhờ thu chứng từ qua ngân hàng trong đó đề nghị khách hàng đặt cọc ít nhất 25% giá trị tiền hàng. Không chấp nhận phương thức trả chậm. Có thể yêu cầu khách đặt cọc ngoài Algeria qua chi nhánh công ty hoặc người thân ở nước thứ ba. Một phương thức nữa là giao hàng gối đầu với việc khách hàng ứng tiền trước.

Theo quy định của Algeria, nhà nhập khẩu phải ký quỹ 110% giá trị lô hàng 1 tháng trước khi hàng rời cảng của nhà xuất khẩu. Sau 45 ngày hàng rời cảng, ngân hàng người mua mới làm thủ tục chuyển tiền cho ngân hàng người bán. Doanh nghiệp cần lưu ý để tuân thủ, bố trí nguồn vốn quay vòng sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp trong nước có nhiều cách tìm kiếm khách hàng như tham gia các hội chợ, triển lãm nhưng việc tìm qua Thương vụ Việt Nam tại Algeria là phương thức an toàn, hiệu quả.

Nguồn: Kinh Tế VN

Biên tập:: VietnamArab.netTeam

Tags